
Hàng không và du lịch nằm trong nhóm các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Theo báo cáo đề dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch thế giới là lớn nhất từ năm 1950 đến nay. Ước tính 120-160 triệu công ăn việc làm đã mất đi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam cũng đã mất gần 2 triệu việc làm.
Ông Trần Trọng Kiên chia sẻ các giải pháp chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau đại dịch Covid-19. Cụ thể gồm ba giải pháp chính. Đó là phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55-75% tổng thu của ngành du lịch trong 2-3 năm tới. Thứ hai là tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine Covid-19. Thứ ba là các giải pháp về cơ chế đối thoại công – tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.
Trong đó, để phát triển thị trường du lịch, cần hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường. Ngoài ra cần tái cấu trúc và chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế bằng các giải pháp căn cơ tăng cường năng lực cạnh tranh, mở cửa du lịch an toàn trước khi có vaccine.
Ông Kiên cũng đề xuất cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thực trạng và có giải pháp ứng phó.
Ông cũng đánh giá cao Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) với cơ chế tiên tiến, hỗ trợ cho ngành du lịch Việt Nam, gồm hơn 20 thành viên là các tập đoàn du lịch, hàng không, lữ hành, khách sạn lớn. Mô hình TAB cần kiện toàn theo hướng có cơ chế báo cáo trực tiếp và thường xuyên với Bộ chủ quản và Phó thủ tướng phụ trách, giúp tháo gỡ nhanh khó khăn cho ngành, thị trường, các doanh nghiệp.
Xem toàn bộ bài viết tại Vnexpress.net